Ngày đầu ở phòng làm việc
Nhật ký hành trình
Hôm
nay đúng một năm - ngày đặt chân lên đất Thái Lan để bước vào một chặng đường
khác như là bước ngoặt của một hưu trí. Đi một vòng dọc con đường từ
condo ra đến chợ, ngắm nhìn lại không gian trường đang vắng lặng bởi sinh viên
nghỉ giữa kỳ, bỗng thấy rất quen mà rất lạ. Hoa sữa nồng nàn gợi nhớ mùa thu Hà
Nội. Nghe bâng khuâng, trong gió heo may của mùa khô Đông Bắc Thái Lan
cảm giác nhớ nhà, nhớ đất Việt. Nhớ lại hành trình của một năm về trước…
Đêm Thakhek
– 12/10/2011
Xe chú Hải ( Ban dự án trường) có mặt
đúng hẹn. 6h30 xuất phát. Nhìn lại ngôi nhà thân thương. Tạm biệt chim Cu cu và
bốn ả gà mái vốn gắn bó hàng ngày tri kỷ. Hai bố con thì chưa chia tay vì còn
tiễn ra bến đỗ. Hai con gái ở hai miền đất nước ko về tiễn mẹ được. Thôi cứ
bình thường hóa như những chuyến xa nhà lâu nay vậy. Có điều lần này chắc chắn
xa hơn cả về thời gian lẫn địa lý . ( tóm lại là “rất dài và rất
xa” hi hi ).Tự nhủ như vậy và ra đi không ồn ào, không thông báo rộng rãi trong
bè bạn. Khất các bạn đến nơi bình yên sẽ thăm hỏi, tạm biệt sau. Mình vốn sợ
những cuộc chia tay và hò hẹn. Thôi thì lên xe rãnh sẽ gọi điện cho các
bạn chưa kịp nói lời tạm biệt. Đợi xe trước cửa vào sân bay Đồng Hới. Cả
mấy bà con gọi cháo canh ăn sáng.. nhưng xe đến, không chờ được đành thông cảm
với chủ quán. Không kịp ăn cháo canh - món vốn yêu thích trước lúc đi xa quê
hương.
7h30 lên xe. Trời đổ mưa. Hôn con
trai yêu quí ( ko hôn ba vì ngại …). Ngoái nhìn sân bay - nơi thưở nhỏ từng
chăn trâu cắt cỏ, từng đứng ngóng theo mỏi mắt xem máy bay trượt trên đường
băng. Xe lăn bánh. Tạm biệt cha con, cậu Thức, chú Hải. Nghe cảm giác cay nồng
từ đôi mắt. Kiên quyết không rơi nước mắt. Mình từng xa nhà nhiều đến tưởng
chai lỳ nhưng bây giờ có cảm giác như lần đầu vậy. Có cuộc chia ly nào giống
nhau đâu. Nhưng tất cả đều đọng lại nỗi nhớ. Phút chốc, bỗng ngậm ngùi nhớ thưở
xưa cha ông từng vượt Trường Sơn rừng thiêng nước độc, gồng gánh, bế bồng đến
xứ người tha phương kiếm kế sinh nhai. Chạnh lòng nghĩ đến mình…Mình có phiêu
lưu mạo hiểm quá đi không? Có lẽ nếp nghĩ truyền thống quẩn quanh sau lũy tre
làng, gần nhà gần cửa, nội trợ phụng sự gia đình vv..đã làm cho mình bỗng thấy
việc dứt áo ra đi là “không phải đạo” chăng? Cứ nghĩ rằng đây cũng là một vinh
dự cuộc đời những năm tháng hưu trí đi! Bao ý nghĩ xáo trộn thử thách, tự
lý giải cho mình để trấn an bởi chặng đường còn dài.
…Trời vẫn mưa.
Xe đi trong sương mờ của mây núi Trường Sơn hùng vĩ. Một dãy núi mà hai màu
mây. Bên nắng - bên mưa khí trời cũng khác. Xe qua đèo Đá Đẽo, xe vượt đỉnh Cha
Lo, xe đi trên con đường năm xưa từng đoàn quân ra trận. Dấu vết của đạn bom Mỹ
được khắc sâu lòng thù hận bằng những tấm bia đá dọc đường mòn Hồ Chí Minh. Nơi
đây cũng đánh dấu sự thử thách và hy sinh cao quí của anh lính cụ Hồ vượt
Trường Sơn “ đá mòn mà đôi gót không mòn”, vào sinh ra tử ở chiến trường miền
Nam, Lào anh em. Hình ảnh về người lính chân đất, ba lô nặng trĩu trên vai cùng
chiếc gậy Trường Sơn băng qua đèo, qua suối như một cảm hứng lãng mạn đẹp đẽ
xua đi những ý nghĩ run sợ, nhút nhát trong đầu. Có lẽ đây là sức mạnh để
tự động viên suốt chặng đường rừng thưa thớt xe cộ, nhà cửa… Núi rừng hoang
sơ, nhà sàn lác đác bên vách đá cheo leo. Thỉnh thoảng có những cụm dân cư xa
xa bên sườn núi. Đó là bản định cư của người Chứt theo dự án “ nhà hộp diêm”.
Chao ơi! thế kỷ 21 rồi, sao dân ta còn cơ cực là vậy. Lèn đá bao quanh, ruộng
nương chật hẹp cằn cỗi, muốn “ săn, bắt, hái, lượm” cũng còn gì để kiếm chứ.
Trầm tư…nhìn trời, nhìn đất, nhìn mây…nhìn thẳng con đường ngoằn ngoèo, khúc
khuỷu. ( không phải con đường chạy thẳng vào tim của Phạm Tiến Duật hi hi …)
…Đến Thakhek
trời tối. Nghỉ lại trong quán trọ của một nhà hàng người Việt. Chủ xe là người
làng đã từng làm ăn Lào lâu năm nên rất thông thạo. Các chú mời cơm, sắp
xếp chỗ nghỉ và hướng dẫn chu đáo. Tự tin hơn một chút và bớt bơ vơ. Đây được
xem là trạm “trung chuyển” của người Việt Quảng Bình buôn bán , làm ăn trên đất
Lào. Các cháu toàn thanh niên trẻ sang Lào làm thợ xây, thợ mộc, phụ nề, đốn gỗ
thuê. Con gái thì đi theo nấu cơm cho chồng và nhóm thợ vv…Cũng vì thế mà trên
chuyến xe ngồn ngộn lương thực, thực phẩm, dụng cụ lao động… Có lẽ mình là “
thượng khách” lọt vào đó. Vì thế mà lúc đầu chỉ toàn nghe một loại
“biệt ngữ xã hội” và những câu tục tỉu mở đầu bằng đ…mẹ, cái con c…..vv. Trên
một ngày đường thâm nhập vào đời sống của một tầng lớp như vậy mình cũng đã cảm
hóa được nhiều cháu. Những câu chửi đổng văng tục cũng bớt dần trong xe. Thay
vào đó là sự sẻ chia của những người cùng cảnh ngộ, mục đích là “ tha phương
cầu thực”. Nếu lực lượng này được giáo dục đến nơi đến chốn, có nơi thu hút lao
động chắc cũng làm ra nhiều của cải vật chất cho quê hương. Thầm nghĩ và cám
cảnh. Nhiều cháu khỏe mạnh , đẹp trai, lăn lộn trong núi rừng đất Lào làm thuê
mong kiếm tiền giúp đỡ gia đình. Lấy đâu ra mà có văn hóa, mà có tâm hồn. Cần được
độ lượng và cảm thông cho một tầng lớp thuộc thế hệ trẻ như vậy. Cũng chẳng chê
bai nó làm gì. Con cháu mình rơi vào cảnh ngộ này cũng thế thôi. Nó còn kiếm
tiền chân chính bằng sức trẻ của mình .Thương lắm con em quê hương!(Một tuần
mới có một chuyến xe như thế vượt Trường Sơn nên cứ một đoạn lại có một tốp trẻ
vẫy tay và lên xe. Chủ xe không cho lên sao được. Xe nhét cả trăm người
vượt đỉnh Cha Lo. Áp lực và nín thở…Tất cả cùng cảm thông...)
…Bên kia sông
Mê công lung linh đèn nến. Một lễ hội gì đó rất lớn. Người bên này đứng xem hội
đông nghịt. Đôi bờ của hai đất nước không khí khác hẳn nhau. Chú Ký người làng
làm ăn ở đây lâu nên quen cả đồn trưởng cửa khẩu. Chú ấy gọi điện xin đưa cô
giáo sang Thái trong đêm nhưng vì lễ hội, bên kia không cho qua lại trong đêm.
Thôi về lại Tha khek ngủ. Đêm Thakhek trăng suông mờ ảo. Nhớ nhà da diết. Và
kết quả là lấy máy viết nhật ký. Không có mạng, biết làm chi trong đêm dài dằng
dặc. Suy nghĩ miên man về những ngày tiếp theo khi đặt chân lên đất nước chùa
vàng.
Ngày 13 tháng 10
…Ăn sáng cùng
mấy chú cháu xong, chú lái xe đưa đến cửa khẩu ngay bến Mê kong làm thủ tục ra
khỏi Lào. Bến này không gần cầu nên đi ca nô. Đồ đạc cồng kềnh, cái thân
già còm cõi mang vác xuống thuyền khệ nệ. Nghe có người nói tiếng Việt, giọng
Hà Tĩnh, mừng quá, bíu luôn sang bờ bên kia nhờ khuân vác. Các thanh niên này
cũng đi làm ăn kiếm sống.Cũng tại mình không muốn người ta đi đón. Thích trải
nghiệm mà. Đáng đời thôi. Lại một ngày lắc lư trên ô tô nữa. 5 h chiều
chính thức đặt chân đến khu vực trường. Tất cả đều lạ lùng bỡ ngỡ. Ngày mai
bước vào cuộc sống mới.
Mahasarakham University
… Và đã tròn một năm. Một năm, trở lại
bục giảng, nhiệt huyết nghề nghiệp của một hưu trí vẫn chưa vơi. Thế là cũng
tốt rồi. Mang tiếng Việt đã được gìn giữ trong sáng và giàu đẹp đến với
nước bạn, âu cũng là niềm tự hào ( hi hi …). Chuyên ngành tiếng Việt được bạn
đào tạo đến cấp cử nhân tương đương các ngoại ngữ khác. Đặc biệt là nơi duy nhất
của các đại học TL có đào tạo cao học- thạc sĩ tiếng Việt. Bỗng nghĩ đến
câu thơ trong bài thơ Tiếng Việt của Lưu Quang Vũ:
Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ
Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn
Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá
Tiếng Việt ơi tiếng Việt ân tình...
Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá
Tiếng Việt ơi tiếng Việt ân tình...
Và thầm nghĩ mình cũng còn mắc nợ tiếng
Mẹ nhiều lắm. Mình sẽ mang đến cho sinh viên TL những tinh túy của tiếng Việt,
của hồn thiêng sông núi, của ông cha.
…Ngày lại ngày đến trường điệp khúc. Và
mang theo khẩu hiệu của Việt Nam:
“mỗi ngày đến trường là một niềm vui”.
Một năm đi qua, nhờ ơn trên phù hộ kẻ tha phương, vẫn dẻo dai
hôm sớm, vẫn bình yên. Tự chăm sóc mình. ( Mừng lắm rồi PT ạ). Đời người cần sức
khỏe. Sức khỏe là vàng. Với một kẻ hưu trí như mình thì đây là điều cần nhất
bởi: Tuổi già nào khác “bóng câu” /
Bay qua cửa sổ - biết đâu Vô thường. ( một giáo viên Văn ở đại học QB mình đã
định nghĩa: Hưu trí là những kẻ đã chết mà chưa chôn !! ! )
Kết thúc học
kỳ thứ 2 rồi. Đã chấm thi, lên điểm, xếp loại, làm đánh giá vv.. xong.
Vậy là có thể
bước tiếp hi hi… Đã ký hợp đồng ở lại. Đổi Vi sa, làm work permit xong xuôi.
Mong cho “chân cứng đá mềm”…
Cảm ơn các
đồng nghiệp trong chuyên ngành tiếng Việt. Cảm ơn “ xếp” Pimsenb Bua ra pha đã
tạo điều kiện để một người xa lạ bỗng đến Chuyên ngành TV như một ngôi nhà thứ
hai, đến với đại học Maharasakham như mái trường của mình. Cảm ơn các a jan
Nungrutai Paor ( Nga), Hoài – Toy, Minh Hiếu - những đồng nghiệp
trẻ luôn gần gũi từng giờ, từng phút sẻ chia, giúp đỡ trong công việc cũng như
cuộc sống.Cảm ơn các bạn Thái, các bạn từ các đất nước khác … trong khoa Khoa
học Xã hội - Nhân văn. Dẫu chưa thật thân quen nhưng hôm sớm gặp nhau trên
giảng đường cũng đủ ấm lòng. Cảm ơn các em sinh viên Thái đã mang đến niềm vui
nghề nghiệp…Cảm ơn những người dân Thái tốt bụng không biết tên tuổi ở trên
đường đi, chợ búa, quán ăn …vv đã đi qua trong ký ức. Cuối cùng là cảm ơn các
bố con đã tự chăm sóc mình và gia đình để mẹ bình yên , an tâm làm việc. Cảm ơn
các bạn trong gia đình blog đã quen và chưa biết, nối vòng tay lớn, kịp thời
động viên chia sẻ mỗi ngày như là một phần đời sống tinh thần. Xin cảm ơn tất
cả.
Mahasarakham University ngày hội Nhận bằng tốt nghiệp 12/2011
Sao em vẫn cứ âm thầm thế kia?
Em mong chị khỏe vui và hạnh phúc thật nhiều, chị nhớ quê hương, gia đình, bè bạn nhưng không được khóc nha mà cứ nghĩ như mình đang đi du lịch cho đở tủi thân nhé chị. Em thương nhớ chị nhiều.
.
Sưu tầm
.
Mỗi nghề có một lời ru
Dở hay thầy cũng chọn ru khúc này
Lời ru của gió màu mây
Con sông của mẹ đường cày của cha
.
Chúc mừng ngày nhà giáo VN 20/11. Chúc chị luôn hạnh phúc với sự nghiệp trồng người nhé !
Nhân ngày 20/11, HC xin chúc cô giáo PT luôn mạnh khỏe, bình yên và luôn nhớ về Tổ quốc VN thân yêu chủa chúng ta
Em chúc chị ngày mới vui thật trọn vẹn nhé!
( Là chị của bs Hồng đó mà)
Chúc chị luôn khỏe và vui!
" Lên xe đi xa khi sáng nay mặt trời mọc, tạm biệt quê hương tạm biệt bạn bè...Ở bên kia xa nhiều người đang đợi, giáo án đang chờ... giảng đường mới khang trang và hiện đại... ,đẹp như mơ, ôi hạnh phúc biết bao . Cô giáo Th xách valy vượt qua biên giới , đem tiếng Việt yêu thương đến với bạn bè, bởi:
Tiếng Việt của ta !
" Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ
Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn
Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá
Tiếng Việt ơi tiếng Việt ân tình"...
(Nhại theo lời bài hát " tâm tình người thủy thủ và cô giáo vùng cao cầm đàn lên đỉnh núi"
Còn một việc nữa là HN tui đã tìm được ẩn số câu chuyện hôm nọ nói trong di động. Nói tóm lại là hai đứa ấy đều KHÙNG
Nay cô đang ở nơi nào hở cô
Đi " bí mật" ở đâu không " Bật mí"
Để xong rồi thì mới alo.
Em về nhưng bận, hổng thèm ... nhớ ai
Chị khỏe không ạ?
Chắc hẳn với người đi chắc chẳng nhanh như thế chị nhỉ? Bao nhiêu là điều để nhớ, để thương, để lo lắng đều phải gửi lại nhà... Thân gái dặm trường... Thương chị quá!
Em mới về ĐH tuần trước, có gặp được mấy anh ở ĐH. Vui chị ạ! Giá mà có chị ở nhà...
Em chúc chị mọi điều tốt lành chị nhé!
................................................
CÂU NI NGHE GHÊ QUÁ CHỊ GÁI NỢ, CHỊ GIỎI LẮM, EM PHỤC CHỊ HUNG, LẠI Ở LẠI HỞ CHỊ ƠI ! RỨA LÀ BÔ CON NHÀ MIỀNG VẪN PHẢI TỰ CHĂM SÓC NHAU RỒI
CHÚC CHỊ GÁI KHỎE MẠNH ĐỂ TIẾP TỤC SỰ NGHIỆP KỸ SƯ TÂM HỒN NHÉ !